banner
/uploads/2023/07.2023/nhuoc-thi-la-gi-thumbnail.jpg_202311231611SS.jpg

Nhược thị là gì? Có cách nào để ngăn ngừa bệnh nhược thị ở trẻ em không?

23-11-2023

Nhược thị (lazy eye) là một trong những vấn đề về thị lực phổ biến nhất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thị lực của trẻ phát triển ở khoảng thời gian đầu đời. Do đó, việc phát hiện và điều trị nhược thị càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Nếu không, trẻ bị nhược thị sẽ không phát triển thị lực bình thường và khỏe mạnh. Vậy nhược thị là gì, làm thế nào để phát hiện trẻ bị nhược thị? Hãy cùng Eyemiru tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Nhược thị là gì?

Nhược thị là tình trạng suy giảm tầm nhìn của một mắt do không sử dụng nhiều trong quá trình phát triển thị lực. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thường sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được điều trị.

Nếu trẻ bị nhược thị, một mắt sẽ nhìn mờ và mắt còn lại nhìn rõ. Khi đó não bộ của trẻ sẽ chỉ sử dụng mắt có tầm nhìn rõ ràng đồng thời “phớt lờ” mắt kia. Vì vậy sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào mắt khỏe và thị lực của mắt yếu trở nên tệ hơn. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.

Nhược thị là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị mất thị lực và ảnh hưởng đến khoảng 5% trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh nhược thị được chia làm hai loại là nhược thị thực thể (suy giảm thị lực ở mắt không thể phục hồi) và nhược thị chức năng (có thể khôi phục thị lực sau khi điều trị).

Nhược thị hay còn gọi là mắt lười

Nhược thị hay còn gọi là mắt lười

Triệu chứng của bệnh nhược thị là gì?

Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết liệu trẻ có bị nhược thị hay không. Về mặt thể chất, trẻ sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào khác biệt để bạn phát hiện nếu trẻ bị nhược thị. Việc chẩn đoán bệnh nhược thị cần có sự can thiệp của y tế. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể theo dõi cách trẻ tương tác với đồ vật và không gian xung quanh để phát hiện biểu hiện bất thường của trẻ, chẳng hạn như:

- Va vào đồ vật, đặc biệt là ở một bên cơ thể của trẻ.

- Thường xuyên nghiêng đầu sang một bên.

- Nhắm một mắt hoặc nheo mắt nhiều.

- Có lác mắt và mí mắt sụp xuống.

- Mắt yếu có thể không thẳng hàng với mắt khỏe, trông lệch tâm hoặc giống như không khớp với hướng mà trẻ đang nhìn.

Nguyên nhân gây ra bệnh nhược thị

Nguyên nhân phổ biến nhất của nhược thị là do các vấn đề về thị lực hoặc các vấn đề về cấu trúc của mắt, bao gồm:

Tật khúc xạ

Tật khúc xạ đề cập đến vấn đề về hình dạng tự nhiên của mắt hoặc khả năng tập trung của chúng khiến tầm nhìn bị mờ. Nếu trẻ mắc tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị mà không được điều trị ngay thì có thể dẫn đến nhược thị.

Xem thêm: 8 cách bảo vệ mắt cận để hạn chế tăng độ

Lác mắt

Lác mắt xảy ra khi hai mắt không thẳng hàng với nhau. Đôi mắt thường di chuyển cùng nhau trong cùng lúc. Do đó khi một trong hai mắt di chuyển mà không khớp với mắt kia, bộ não sẽ bắt đầu phụ thuộc vào mắt này hơn mắt kia.

Cấu trúc của mắt

Bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến chức năng mắt của trẻ đều có thể gây mờ mắt và dẫn đến nhược thị, bao gồm:

- Sụp mí mắt, đặc biệt nếu một mí mắt sụp xuống đủ để che một phần mắt của trẻ.

- Đục thủy tinh thể.

- Các vấn đề với giác mạc.

Ai có nguy cơ mắc bệnh nhược thị?

Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể bị nhược thị, trong đó những trẻ dễ bị nhược thị hơn đó là:

- Có tiền sử gia đình mắc các vấn đề về mắt.

- Phát triển chậm.

- Sinh non (sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ).

- Cân nặng khi sinh thấp (dưới 2,5kg).

Tật khúc xạ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhược thị

Tật khúc xạ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhược thị

Cách chẩn đoán và điều trị nhược thị

Chẩn đoán

Để được chẩn đoán chính xác về bệnh nhược thị, bạn cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế. Bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra xem thị lực giữa hai mắt có khác nhau không. Để kiểm tra tầm nhìn của trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, bác sĩ có thể che một mắt của trẻ và đánh giá cách trẻ theo dõi một vật chuyển động tốt như thế nào. Ngoài ra, bác sĩ còn quan sát phản ứng của trẻ khi bị che một mắt. Nếu một bên mắt bị nhược thị và mắt còn lại bị che, trẻ sẽ cố gắng nhìn lên trên hoặc dưới miếng che, kéo nó ra hay khóc.

Ngoài ra, trẻ còn được khám mắt toàn diện để kiểm tra các vấn đề về mắt khác có thể ảnh hưởng đến thị lực. Trong một số trường hợp, thị lực kém ở một bên mắt không phải là bệnh nhược thị mà là tật khúc xạ. Do vậy việc cho trẻ khám mắt định kỳ là điều cần thiết để sớm phát hiện và điều trị những vấn đề bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đặc biệt đối với trẻ có tiền sử gia đình mắc các bệnh về mắt nghiêm trọng.

Cách điều trị

Nhược thị sẽ được điều trị bằng cách để não bộ sử dụng bên mắt yếu hơn để nhìn. Phương pháp này sẽ điều chỉnh cũng như tăng cường kết nối giữa não và cả hai mắt của trẻ để khắc phục tình trạng nhược thị. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến nhất:

- Đeo miếng che mắt: trẻ bị nhược thị sẽ đeo miếng che mắt ở bên mắt khỏe trong ít nhất vài giờ mỗi ngày. Việc chặn tầm nhìn từ mắt khỏe sẽ buộc não sử dụng mắt yếu, từ đó tăng cường sức mạnh cho bên mắt này.

- Kính mắt: đeo kính có thể điều chỉnh tật khúc xạ gây nhược thị. Khi thị lực của trẻ được cải thiện, não sẽ quay trở lại sử dụng cả hai mắt để nhìn. Vì vậy, trẻ có thể cần kính và các phương pháp điều trị khác cùng một lúc.

- Thuốc nhỏ mắt: bác sĩ có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt (thường là atropine) cho mắt khỏe để làm mờ tạm thời và buộc não phải sử dụng mắt yếu hơn. Thuốc nhỏ mắt này an toàn và không ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

- Phẫu thuật nhược thị: trường hợp này rất hiếm và chỉ được sử dụng khi trẻ bị đục thủy tinh thể hoặc có các vấn đề về cấu trúc khác ở mắt mà những phương pháp khác không thể khắc phục.

Đeo miếng che mắt cần phải thoải mái nhưng vẫn cố định ở đúng vị trí

Đeo miếng che mắt cần phải thoải mái nhưng vẫn cố định ở đúng vị trí

Hầu hết trẻ cần được điều trị nhược thị trong ít nhất vài tháng. Dù với phương pháp nào, bạn cũng cần kiên trì và theo dõi tình trạng cũng như thực hiện đúng với căn dặn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất. Trong thời gian điều trị, trẻ sẽ gặp khó khăn để làm quen với những thay đổi về thị lực. Do vậy bạn nên giải thích cho trẻ hiểu tại sao trẻ cần đeo miếng che mắt, đeo kính hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt. Đồng thời đừng quên khen thưởng, cổ vũ trẻ vì đã kiên trì và khuyến khích trẻ sử dụng mắt yếu hơn thường xuyên. Bên cạnh đó, việc bạn đồng hành cùng trẻ trong quá trình này là rất quan trọng, đặc biệt là khi trẻ cảm thấy chán nản.

Xem thêm: 9 tips bảo vệ đôi mắt cho trẻ mà bố mẹ không thể không biết

Những câu hỏi về bệnh nhược thị ở trẻ em

1. Bệnh nhược thị có thể ngăn ngừa không?

Bạn không thể ngăn ngừa bệnh nhược thị hoặc các vấn đề về thị lực khác gây ra bệnh này. Điều tốt nhất có thể làm là kiểm tra mắt định kỳ.

2. Bệnh nhược thị có tự hết khi trẻ lớn lên không?

Nhược thị không tự biết mất. Nếu không được điều trị có thể gây ra tình trạng mất thị lực vĩnh viễn. Nhược thị có thể điều trị ở thanh thiếu niên và người lớn nhưng mất nhiều thời gian hơn và thường kém hiệu quả hơn.

3. Tần suất khám mắt cho trẻ bao lâu là hợp lý?

Đối với trẻ nhỏ nên khám mắt trong mỗi lần khám sức khỏe của trẻ. Khi trẻ bắt đầu đi học, tần suất là 1-2 năm/lần.

Nhược thị là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến thị lực của trẻ và không thể ngăn ngừa được. Cách tốt nhất để phát hiện sớm là kiểm tra thị lực thường xuyên. Với những thông tin trên hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu hơn về nhược thị là gì cũng như biết cách chăm sóc sức khỏe mắt của trẻ tốt hơn. Để tham khảo các thông tin khác về mắt và thuốc nhỏ mắt Eyemiru, hãy theo dõi Eyemiru mỗi ngày nhé!